Bạn có đang kiệt sức trên hành trình làm mẹ?
Bản tin #2312: Hay bạn chỉ đang căng thẳng và áp lực trên hành trình này?
Làm cha mẹ là một hành trình rất dài và trên hành trình đó, niềm vui và áp lực sẽ luôn song hành cùng nhau. Niềm vui khi nhìn thấy con yêu lớn lên từng ngày, tiếng cười giòn tan hay cả những giọt nước mắt hờn dỗi… tất cả đều làm những người làm cha mẹ như chúng ta bất giác mỉm cười hạnh phúc. Nhưng để có những giây phút hạnh phúc đó, cha mẹ cũng phải đối mặt với rất nhiều công việc và áp lực khác như: quá nhiều công việc khác liên quan tới chăm sóc con, lo lắng tới sức khỏe và sự an toàn của trẻ… Theo Oxford Bibliographies:
Căng thẳng khi làm cha mẹ (Parenting stress) là một phần bình thường trong trải nghiệm làm cha mẹ. Nó được tạo nên khi nhu cầu, mong muốn của cha mẹ vượt quá nguồn lực thực tế có sẵn giúp họ hoàn thành tốt vai trò làm cha mẹ của mình
Đặc biệt, khi những thay đổi của xã hội trong thế kỷ 21 đang tạo ra thêm những áp lực mới, nhiều gia đình chia sẻ rằng họ cảm thấy bế tắc và kiệt quệ cả sức khỏe và tâm lý. Khi niềm vui trở thành cha mẹ dần ít đi còn áp lực lại liên tục và kéo dài thì rất có thể, bạn đang trải qua Hội chứng kiệt sức khi làm cha mẹ (Parental Burnout).
Trong bản tin hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu những dấu hiệu sơ cấp (cơ bản) và dấu hiệu thứ cấp của Hội chứng kiệt sức khi làm cha mẹ.
1, 4 dấu hiệu cơ bản của Hội chứng kiệt sức khi làm cha mẹ
Theo tiến sĩ Roskam, một kết luận quan trọng và thống nhất được ghi nhận ở tất cả các gia đình báo cáo về tình trạng kiệt sức của mình, trước hoặc trong thời kỳ đại dịch Covid - 19: “Kiệt sức là kết quả của sự mất cân bằng quá lớn và lâu dài giữa căng thẳng và các nguồn lực hỗ trợ”. Sau đây là 4 dấu hiệu cơ bản gần như xuất hiện ở những gia đình đã từng trải qua kiệt sức.
Kiệt quệ cả về sức khỏe sinh lý và tâm lý: Bạn thường xuyên cảm thấy uể oải, cơ thể rệu rã. Dù biết còn rất nhiều thứ đang chờ mình giải quyết nhưng bạn không muốn làm gì, cũng không muốn nghĩ gì.
Xa cách về mặt cảm xúc: bạn cảm thấy không sự kết nối với con. Bạn rất nhanh chóng cảm thấy chán, không muốn dành thời gian gần gũi cùng con, chơi hay tương tác cùng con. Tồi tệ hơn, bạn không muốn yêu thương ôm ấp con vào lòng như trước.
Mất đi cảm giác hạnh phúc và trọn vẹn: Bạn thấy một ngày của mình trôi qua không có niềm, đặc biệt là làm cha mẹ lại càng không vui. Hiện tại, bao quanh bạn là tỉ thứ việc không tên, tiếng con khóc, sự cô đơn khi phải một mình đối mặt với tất cả. Bạn tự hỏi đến bao giờ những vất vả này mới kết thúc?
Sự giằng co, đối lập: Lúc nào trong nội tâm bạn cũng như đang có một cuộc chiến giằng co giữa việc bạn muốn làm cái này và bạn phải làm cái kia. Ví dụ: bạn muốn tối nay được đi cà phê nhưng bạn phải cho con ăn ngủ nên không thể làm được. Bạn muốn dành ra 2 tiếng để xem một bộ phim thật trọn vẹn nhưng bạn phải trông con vì không có ai phụ giúp bạn cả. Bạn cảm thấy rất chán nản khi liên tục phải đưa ra quyết định, đa số các quyết định bạn đều phải hi sinh những nhu cầu và mong muốn cá nhân để dành thời gian chăm sóc con.
Ngoài những dấu hiệu đặc trưng trên, tình trạng kiệt sức còn được phát hiện thông qua những dấu hiệu thứ cấp tiếp theo.
2, 6 dấu hiệu thứ cấp của Hội chứng kiệt sức khi làm cha mẹ
Sự lo âu: Đây là điều xảy ra nhiều nhất đối với các cha mẹ đang kiệt sức. Bởi vì vây quanh họ có rất nhiều điều họ chưa tìm ra cách để vượt qua nên sự lo âu sẽ luôn thường trực. Lo âu kéo dài sẽ tiếp tục vòng lặp mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần.
Cảm giác tội lỗi: cảm giác thấy có lỗi khi mình không thể làm nhiều điều cho con như người khác đang làm… Trong một số trường hợp, cảm giác này tạo động lực để cha mẹ cố gắng và nỗ lực vì con hơn. Nó như một chút gia vị và cảm giác được thêm vào khi làm cha mẹ. Nhưng khi chủ nghĩa hoàn hảo (perfectionalism) thái quá xâm chiếm, mong muốn con mình phải được mọi thứ tốt nhất làm các cha mẹ xuất hiện suy nghĩ mình thực sự có lỗi với con, mình không phải bố mẹ tốt khi mà mình chưa thể đem lại những điều tuyệt vời cho con.
Các vấn đề về giấc ngủ: các vấn đề về giấc ngủ ở đây có thể là mất ngủ triền miên hoặc ở thái cực ngược lại là ngủ triền miên. Theo các khảo sát ghi nhận, tình trạng mất ngủ diễn ra nhiều hơn khi mà cha mẹ phải dành rất nhiều thời gian để chăm sóc cho con, đặc biệt là giai đoạn con dưới 1 tuổi. Ở độ tuổi này, trẻ còn quá nhỏ và non nớt nên có rất nhiều việc cần phải làm. Khi trải qua tình trạng kiệt sức, áp lực, mệt mỏi và lo âu khiến cho thần kinh căng thẳng, cha mẹ khó đi vào giấc ngủ hơn, giấc ngủ không sâu và trọn vẹn sự nghỉ ngơi.
Các vấn đề liên quan đến cân nặng: Có thể là sụt cân quá mức hoặc tăng cân quá mức. Chúng ta đều biết rằng, cân nặng có liên quan tới những áp lực hằng ngày chúng ta phải chịu. Càng áp lực càng dễ thay đổi cân nặng theo hướng không tích cực.
Phản ứng thần kinh vận động chậm: Nói một cách dân dã hơn là đầu sẽ nảy số chậm hơn (não cá vàng)… Điều này được lý giải rằng: khi chúng ta đang phải suy nghĩ và chịu áp lực từ nhiều việc cùng một lúc, khả năng làm việc, tư duy của não bộ cũng sẽ ảnh hưởng. Nguồn năng lượng dành cho não bộ có hạn nhưng phải liên tục làm việc, đưa ra quyết định và lựa chọn khiến não bộ mệt mỏi và lâu dần sẽ xử lý thông tin chậm hơn.
Khó tập trung: Cha mẹ có thể không tập trung làm một việc hoặc xử lý tình huống nhanh và hiệu quả bởi vì đang có rất nhiều việc khác chờ chúng ta xử lý.
Bạn đã từng trải qua bao nhiêu dấu hiệu trong những dấu hiệu vừa kể trên? Bạn có thắc mắc rằng liệu mình có đang thực sự trải qua kiệt sức?
Bản tin hôm nay, mình gửi tặng tất cả độc giả bài đánh giá mức độ kiệt sức khi làm cha mẹ bản rút gọn. Năm 2018, tiến sĩ Roskam và các cộng sự đã phát triển bài đánh giá mức độ kiệt sức của cha mẹ (Parental Burnout Assessment) này sau khi khảo sát hơn 900 gia đình đã được xác định từng trải qua kiệt sức.
Cuối cùng, mình muốn chia sẻ lại câu thoại mình nhớ mãi khi xem bộ phim “Thương ngày nắng về”:
Lo từ lúc còn trong bụng, lo đến lúc đẻ ra lành lặn, khỏe mạnh, lo nuôi cho lớn lên nên người, lo dựng vợ gả chồng, lo công ăn việc làm. Làm Mẹ, bao giờ chết mới hết lo con ạ!
Con là điều tuyệt vời nhất mà cuộc đời ban tặng cho chúng ta, chúng ta sẽ luôn cố gắng giành những điều tốt đẹp nhất cho con, nhưng bạn cũng đừng quên, mình cũng là mẹ của con. Mẹ có bình an thì con mới vui vẻ và hạnh phúc. Đừng để những lo lắng, mệt mỏi hay suy nghĩ quá nhiều làm bạn thấy đuối sức nhé!