Làm cha mẹ thế kỷ 21: Áp lực mới từ đâu?
Bản tin #2311: Không phải những tiến bộ và phát triển sẽ chỉ mang tới những lợi ích và tiện nghi cho cha mẹ trong quá trình nuôi con
Các độc giả đang theo dõi bản tin The Mom Reboot thân mến, bạn có biết điểm chung đầu tiên giữa mình và các bạn là gì không? Đó là chúng ta đều là cha mẹ trong thế kỷ 21. Một thế kỷ mới với vô vàn những sự tiến bộ, thay đổi vượt bậc ở tất cả mọi mặt, mọi lĩnh vực trong cuộc sống đã mang đến sự tiện nghi, thoải mái, ngày càng giải phóng sức lao động của con người. Nếu như vậy thì chắc hẳn làm cha mẹ thế kỷ 21 sẽ “sướng” hơn nhiều so với thời cha mẹ chúng ta - những người sinh ra và lớn lên trong thế kỷ 20 đầy khó khăn và thiếu thốn? Là một nhà thực hành chuyên nghiệp về Hội chứng Cha mẹ kiệt sức, câu trả lời của mình là: Chưa chắc.
Nhiều thế kỷ qua, làm cha mẹ là một công việc mang lại rất nhiều áp lực và vất vả. Đó là công việc không có ngày nghỉ, không được trả lương và một khi đã dấn thân vào bạn sẽ không bao giờ quay trở lại được.
Các cha mẹ thường xuyên cảm thấy bị vắt kiệt hoặc quá tải bởi những đầu việc liên quan tới những đứa con. Không chỉ là các sinh hoạt thường ngày như cho các con ăn ngủ mà còn là nuôi dạy và hướng dẫn con những các hoạt động liên quan đến xã hội hàng ngày. Tuy nhiên, trong thế kỷ 21, bên cạnh những hỗ trợ tích cực do tiến bộ khoa học công nghệ, thì cha mẹ cũng có những áp lực mới xuất hiện. Trong bản tin hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu 5 lý do chính - sự thay đổi trong xã hội dẫn đến những áp lực mới của cha mẹ trong thế kỷ 21.
1, Cải cách trong mục tiêu và trách nhiệm của mỗi giới trong gia đình
Thời xưa, người phụ nữ trong gia đình thường chịu trách nhiệm chăm sóc và giáo dục những đứa trẻ. Họ có rất nhiều kinh nghiệm trong việc hoàn thành các công việc nhà như: làm sao vừa trông con vừa nấu cơm, chăm sóc vườn tược nhưng cũng không quên để ý tới con nhỏ… Tuy nhiên trong thế kỷ 21, phụ nữ được khuyến khích tham gia thị trường lao động việc làm. Khi tham gia vào lực lượng lao động trong xã hội, phụ nữ kỳ vọng có thể hiểu biết nhiều hơn ở các lĩnh vực khác nhau cũng như có được độc lập tự chủ về tài chính.
Ở chiều ngược lại, trong quá khứ, người đàn ông trong gia đình thường là trụ cột phụ trách kinh tế cũng như các hoạt động đối ngoại. Nhiệm vụ hằng ngày của họ là ra ngoài kiếm tiền về nuôi gia đình, mở rộng quan hệ ngoại giao để tăng cường mối quan hệ bên ngoài, mang lại lợi ích cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên ngày nay, đàn ông phải đối mặt với việc họ cũng cần phải bỏ thời gian để đầu tư học tập trong việc chăm sóc và nuôi dạy con cái. Bây giờ ngoài việc phải bận tâm vấn đề đối ngoại thì họ cũng phải bận tâm với những mối quan hệ đối nội trong gia đình mình: trò chuyện với con cái ra sao, chăm sóc quan tâm bố mẹ 2 bên gia đình như thế nào, quan hệ với anh em họ hàng…
Chính sự thẩm thấu cũng như đan xen giữa các chức năng trong gia đình thời nay đã khác so với thời xưa đã tạo nên cho cha mẹ những áp lực và mệt mỏi mới.
2, Những tiến bộ vượt bậc trong việc tìm kiếm và hỗ trợ ý tế về sinh sản
Thời nay, các thuật ngữ như IVF (thụ tinh ống nghiệm) hay IUI (thụ tinh nhân tạo) đã không còn quá xa lạ với tất cả chúng ta. Những phát triển tuyệt vời này của hệ thống y tế bên cạnh việc trao cơ hội và niềm vui cho hàng triệu người thì nó cũng dẫn đến một hệ quả tất yếu đó là việc sinh con bây giờ hoàn toàn là một sự lựa chọn.
Trong lịch sử tiến hóa tự nhiên của muôn loài, sinh con là hoạt động để duy trì nòi giống. Nó đến một cách tự nhiên và gần như không thể can thiệp hay thay đổi chỉ với những gì tự nhiên có. Tuy nhiên nhờ có tiến bộ khoa học vượt bậc và hỗ trợ y tế tuyệt vời trong việc thụ thai, mang thai và sinh con, ngày nay, những gia đình gặp khó khăn trong vấn đề mang thai thì họ đã có thể có con.
Theo chia sẻ của bác sĩ Đinh Quang Trung, hiện đang công tác tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản bệnh viện Bưu điện:
Mỗi tháng, trung tâm đón tiếp hàng ngàn cặp vợ chồng tới khám và chữa trị hiếm muộn. Mỗi người một hoàn cảnh, một câu chuyện khác nhau nhưng đều có điểm chung là tới với hi vọng có được mụn con. Bước vào hành trình gian nan này, họ đã phải suy nghĩ và dành dụm rất nhiều cả tiền bạc và thời gian nhưng đôi khi họ còn không biết được chờ đợi họ phía trước sẽ là gì.
Trải qua muôn vàn khó khăn, ảnh hưởng tới sức khỏe thì những gia đình hiếm muộn, đứa con là điều tuyệt vời và vô cùng quý giá với họ. Họ dành rất nhiều tâm trí, sức khỏe và nguồn lực để đầu tư cho đứa con của mình. Nhưng sự ít ỏi cũng như quý giá khi sinh được con cũng dần tạo nên những áp lực mới cho các gia đình.
3, Cuộc cải cách trong tâm lý học
Vào những năm 1900, Tâm lý học có những bước tiến đặc biệt trong chuyên ngành Tâm lý học ở trẻ nhỏ. Trước thời gian này, tâm lý học thường chỉ xuất hiện ở bệnh viện và áp dụng cho các em bé được chẩn đoán gặp vấn đề về tâm lý cần phải được trị liệu. Theo các quan sát và báo cáo được ghi lại, đây là những em bé được nuôi trong cô nhi viện hoặc môi trường sống không ổn định, thiếu thốn tình cảm của gia đình.
Cũng theo các thu thập từ nhà nghiên cứu người Pháp Rene Spitz đã chỉ ra rằng,những đứa trẻ sống tại các trại trẻ mồ côi hoặc cô nhi viện sau Thế chiến thứ hai thường xuyên gặp các vấn đề về tâm lý, đặc biệt họ còn xuất hiện xu hướng tự tử. Nguyên nhân dẫn đến những hậu quả trên là do họ đã gặp rất nhiều khó khăn và cản trở trong nhận thức cũng như hòa nhập và hiểu biết xã hội xung quanh mình đã vận hành như thế nào. Vậy thì điều gì đã dẫn đến cái kết quả này?
Những đứa trẻ này, tuy được phục vụ về thức ăn và những chăm sóc vật lý cơ bản nhưng lại hoàn toàn thiếu đi sự quan tâm ẩm áp hay những hướng dẫn về mặt cảm xúc dành cho trẻ nhỏ. Điều đó đã dẫn đến sự thiếu thốn về mặt nuôi dưỡng cảm xúc. Rất nhiều đứa trẻ không được quan tâm đầy đủ và gặp phải những cản trở trong việc phát triển, làm đứa trẻ ngày càng kiệt quệ cả thể chất cũng như tâm lý, cuối cùng lựa chọn đến cái chết.
Những cái nghiên cứu của bà cũng chỉ ra thêm: những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường chăm sóc đầy đủ về mặt cảm xúc sẽ có những cái kết quả học tập tốt hơn cũng như những mối quan hệ lành mạnh hơn. Không những thế, việc xây dựng và phát triển gia đình và nuôi dưỡng con cái của họ sau này cũng có xu hướng nhận được sự quan tâm tốt đẹp từ chính gia đình của mình.
Ngược lại, những đứa trẻ không được nhận được sự quan tâm về mặt cảm xúc có kết quả trên trường lớp kém hơn và sau này khi họ lập gia đình thì con cái của họ sẽ có xu hướng tiếp tục cái vòng lặp thiếu thốn về mặt chăm sóc cảm xúc từ chính cha mẹ của mình.
Những kiến thức về tâm lý học ngày nay ngày càng vươn xa khỏi khuôn khổ nghiên cứu khoa học bình thường. Chúng đang dần được đưa vào nhiều đầu sách, xuất bản các seires làm sao để nuôi dạy một cái đứa trẻ có một đời sống tích cực hơn, làm sao để cho con của mình học hành và phát triển một cách hạnh phúc vui vẻ, không chỉ thành công hơn mà cuộc sống sau này sẽ thấy tốt đẹp hơn. Vì thế các bậc cha mẹ thời hiện đại cũng dễ dàng tiếp xúc nhiều hơn với những kiến thức này. Việc được tiếp cận nhiều với các tài liệu, sách báo và thông tin nhà đài cũng làm cho cha mẹ cảm thấy có những áp lực tiếp theo trong việc làm sao để tôi nuôi dạy con mình tốt hơn khi ngoài kia xã hội thay đổi từng ngày.
4, Những tìm hiểu liên quan đến quyền của trẻ nhỏ
Những thông tin về quyền của trẻ nhỏ được đưa ra từ những năm 1800. Đây là cả một quy trình để nuôi dạy một đứa trẻ với những quyền cơ bản. Suy nghĩ thời xưa cho rằng: “Đứa trẻ là một vật thể không cần phải bảo vệ, chúng như là những con quỷ nhỏ hay những sinh vật khác rất khó hiểu”.
Trẻ nhỏ thời xưa được coi như người lớn thu nhỏ hoặc một cái sinh vật nào đấy cần được giáo dục lại. Nhưng khi sự phát triển về tâm lý học cũng như quyền của trẻ nhỏ được nâng lên thì người ta đã nhận ra: “Trẻ em xứng đáng được bảo vệ, được nuôi dưỡng và bao bọc hơn rất nhiều”. Vậy nên những áp lực mớitrong nuôi dạy con cũng bắt đầu hình thành nhiều hơn.
5, Sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân
Ngày nay, người ta nhắc đến chủ nghĩa cá nhân ngày càng nhiều. Vậy chủ nghĩa cá nhân có ảnh hưởng như thế nào đến việc nuôi dạy trẻ?
Đó có thể là sự tôn trọng riêng tư của con hơn, tôn trọng mọi thứ xung quanh con, cho con quyền được nói, được thể hiện quan điểm… Giờ đây, những quan tâm sát sao của cha mẹ đối với trẻ lại đang làm nhiều trẻ cảm thấy đó là sự kìm kẹp, soi mói và can thiệp quá sâu vào đời tư. Nó làm cho trẻ dễ có trạng thái chống đối, phản kháng hơn, từ đó kéo theo cha mẹ lại càng lo lắng và tiếp tục vòng lặp của sự kiểm soát. Điều này làm cho không chỉ đứa con thấy áp lực mà chính cha mẹ cũng áp lực theo khi mà không biết phải làm thế nào để có thể theo sát con, bảo vệ con khỏi những điều mà bố mẹ cho là nguy hiểm nhưng không để con cảm thấy bị bó buộc.
Tổng kết
5 lý do chính ở trên được đưa ra dựa trên bối cảnh nghiên cứu và thu thập thông tin tại châu Âu nhưng mình thấy nó vẫn đúng khi đưa vào bối cảnh của Việt Nam.
Có thể chúng ta đã từng nhận được lời nhận xét từ những người đi trước rằng: “Sao giờ chúng mày nuôi con gì mà khổ vậy? Bố mẹ ngày xưa xuề xòa rồi mà cũng nuôi chúng mày bằng đầu bằng cổ đây”. Vậy thì sau khi đọc xong bản tin này, bạn đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi của “thầy bu” mình chưa?