Tảng lờ, Giả điếc, Chuyển hướng: những “căn bệnh” làm ngắt kết nối và giao tiếp tích cực trong gia đình - Phần 1
Bản tin #2301: Biểu hiện và nguyên nhân của Tảng lờ, Giả điếc và Chuyển hướng sớm trong quá trình giao tiếp hằng ngày tại gia đình
Nhìn lên đồng hồ đã là 6h30 tối, con vẫn đang lăn lộn chơi dưới sàn, còn chồng thì nằm dài trên sofa lướt điện thoại. Chị L nhẹ nhàng mở lời rằng 2 bố con đi tắm để chuẩn bị ăn cơm. Chồng chị trả lời một câu: “Lát nữa”.
Đã 15 phút trôi qua, mọi việc vẫn như vậy, lúc này chị L đã phải dùng tông giọng khác để nhắc nhở 2 bố con dậy đi tắm. Và chị L lại nhận được một câu trả lời quen thuộc từ chồng: “Tí nữa, sao cứ phải vội”.
Lại 15 phút nữa trôi qua, lúc này chị đã phát cáu lên và tự mình phải đưa con đi tắm kèm thêm câu “Rốt cục lại là tôi đi làm, nhờ có tí việc cũng không xong”. Chồng chị L lúc này cũng vùng vằng đứng dậy: “Có mỗi cái việc cỏn con mà động tí về nhà lại nổi cáu, muốn nghỉ ngơi một tí cũng không được, bực cả mình”.
Bạn đọc tình huống này có thấy nó quen hay đã từng nghe ở đâu chưa? Điều gì đã xảy ra trong câu chuyện này? “Căn bệnh” nào đang tồn tại và dần làm mất đi sự kết nối trong gia đình? Trong bản tin hôm nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về biểu hiện và nguyên nhân của những “căn bệnh” phổ biến đang “giết chết” kết nối trong gia đình.
1, Bắt bệnh
Thông qua câu chuyện của chị L vừa kể trên, mình muốn nhắc đến 3 căn bệnh khá là điển hình về giao tiếp không tích cực trong gia đình:
Bệnh Tảng lờ: Khi bạn cùng chồng/vợ đang thảo luận hay lên kế hoạch cho một việc chung nào đó thì họ đột ngột không đưa ra ký kiến nữa hoặc lờ đi chỗ khác.
Bệnh Giả điếc: Trong cuộc trò chuyện hay bàn luận, bạn đang đưa ra nhiều ý kiến, ý tưởng nhưng vợ/chồng bạn lại tỏ ra không quan tâm lắm, không nghe thấy bạn đang nói gì.
Bệnh Chuyển hướng quá sớm: Khi bạn đang cùng vợ/chồng cố gắng làm rõ câu chuyện hay một ý kiến nào đó thì họ lại nhanh chóng chuyển hướng sang một vấn đề khác, tỏ rõ ý lảng tránh không muốn đề cập đến câu chuyện kia.
Ở góc độ tâm lý gia đình, những nguyên nhân cho các “căn bệnh” phổ biến này đó là:
Môi trường gia đình và kinh nghiệm trước đó: Môi trường gia đình và kinh nghiệm trước đây trong giao tiếp có thể ảnh hưởng đến cách mà vợ/chồng bạn tiếp cận cũng như đối mặt với giao tiếp trong mối quan hệ hôn nhân. Nếu một trong hai bên đã trải qua môi trường gia đình không khích lệ trong việc thể hiện ý kiến hoặc cảm xúc, hoặc đã có những trải nghiệm tiêu cực trong quá trình giao tiếp thì sẽ có thể dẫn đến tình trạng tảng lờ, giả điếc và chuyển hướng quá sớm.
Ví dụ: bố chồng bạn hay tảng lờ khi mẹ chồng bạn muốn gọi hay trao đổi gì với ông bởi vì ông cảm thấy bà thật phiền hà, bà nói nhiều và ông thấy mệt mỏi. Nếu như chồng bạn đã quen với việc đó thì có thể chồng bạn coi việc tảng lờ bạn trong gia đình là điều bình thường.
Thói quen và mô hình giao tiếp: Cách vợ/chồng đã hình thành thói quen và mô hình giao tiếp có thể ảnh hưởng đến tình trạng tảng lờ, giả điếc và chuyển hướng quá sớm. Nếu một trong hai bên đã trở nên quen thuộc với việc không tham gia hoặc tránh giao tiếp trong quá khứ, họ có thể tự đặt ra một mô hình giao tiếp không hiệu quả trong mối quan hệ hôn nhân hiện tại.
Giả sử, trong các buổi nói chuyện từ trước đến nay của gia đình bạn, bạn luôn muốn mình phải là người đúng, người chiến thắng dù bất kể đó là gì. Khi vợ/chồng bạn hiểu điều đó, có thể họ sẽ có thói quen “nhường nhịn” bạn, giả điếc hoặc chuyến hướng sớm để tránh phải đôi co với bạn.
Sự thiếu hoặc mất cân bằng về quyền lực và vai trò trong gia đình: Khi một trong hai bên trong mối quan hệ có cảm giác bị thiếu quyền lực hoặc vai trò, điều này có thể dẫn đến tình trạng tảng lờ, giả điếc và chuyển hướng quá sớm. Đây có thể là hậu quả từ những định kiến trong xã hội, truyền thống lâu đời. Nó làm cho vai trò hoặc quyền lực trong gia đình của vợ hoặc chồng bị quá lệch hoặc mất hẳn đi quyền được làm điều gì. Ngoài ra, sự thiếu lòng tin và sự hỗ trợ lẫn nhau dẫn đến mất cân bằng quyền lực trong gia đình.
Ở nhiều gia đình, người vợ thường không có đóng góp xây dựng thêm ý kiến trong một số vấn đề cần sự quyết định trong gia đình bởi vì trước giờ người chồng luôn chiếm thế thượng phong, quyết tất cả mọi thứ, không cho người vợ có cơ hội ra quyết định bởi họ cho rằng vai trò của họ trong gia đình là quan trọng nhất.
Khó khăn trong việc thể hiện và quản lý cảm xúc: Một số người có thể gặp khó khăn trong việc thể hiện và quản lý cảm xúc của bản thân, đặc biệt khi đối diện với những vấn đề nhạy cảm trong mối quan hệ. Họ dễ có xu hướng tìm cách lảng tránh hoặc chuyển hướng khỏi những cảm xúc khó chịu hoặc căng thẳng.
Mình từng nghe tâm sự của một người anh bạn. Anh là người rất hiền nhưng lại rất cục tính mỗi khi tức giận. Anh biết mình quản lý cảm xúc chưa tốt, anh sợ rằng sự tức giận của mình có thể gây ra tổn thương cho vợ con nên trong những câu chuyện tranh luận căng thẳng chưa có hồi kết, xu hướng của anh là sớm rút lui, bỏ đi chỗ khác để không gây ảnh hưởng đến vợ mình khi anh không thể kiềm chế bản thân.
Sự thiếu tự tin và sợ hãi: Những người thiếu tự tin trong giao tiếp hoặc sợ bị phê phán, đánh giá, sợ bị từ chối có thể tảng lờ, giả điếc hoặc chuyển hướng quá sớm trong cuộc nói chuyện với vợ/chồng của họ. Họ có thể không tin tưởng vào khả năng của mình để tham gia một cuộc trò chuyện, họ sợ rằng họ có thể tạo ra xung đột hoặc cảm thấy không thoả đáng trong cuộc trò chuyện đó.
Chồng mình là người hay nhường lời, nhanh chóng muốn kết thúc các câu chuyện về chăm sóc con cái với mình vì anh thấy rằng anh không đủ giỏi chăm con như mình, mình làm quá tốt rồi nên anh không muốn nói thêm.
Sự tự bảo vệ: Một số người có thể tảng lờ, giả điếc hoặc chuyển hướng quá sớm trong giao tiếp gia đình để tự bảo vệ bản thân khỏi những xung đột, căng thẳng hoặc khó khăn tâm lý. Có thể trong quá khứ, họ đã phải trải qua những tổn thương nào đó nên họ sợ rằng việc tham gia vào cuộc trò chuyện sẽ mang lại sự bất mãn, gây ra mâu thuẫn trong mỗi quan hệ và từ đó bản thân họ có thể bị tổn thương.
Chị gái mình thường hay rút lui hoặc chuyển hướng câu chuyện khác khi nói chuyện với chồng chị. Bởi vì ngày xưa, bố mình hay mắng và quát chị, ông làm chị thấy sợ nên giờ khi nói chuyện với chồng, chị không muốn tiếp tục như thế. Chị chọn cách rút lui sớm để bảo vệ bản thân khỏi những tình huống như thế.
Mệt mỏi và áp lực từ các yếu tố bên ngoài: Khi vợ/chồng liên tục phải đối mặt với áp lực và căng thẳng từ công việc, trách nhiệm gia đình, câu chuyện tiền bạc hoặc sự thay đổi lớn trong cuộc sống, họ có thể không cảm thấy sẵn lòng hoặc có năng lượng để tham gia vào cuộc trò chuyện gia đình. Họ cố tình lảng tránh vì họ đã mệt mỏi và không muốn lại tiếp tục nhận về những mệt mỏi thêm nữa. Việc quản lý áp lực và stress này có thể là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp hiệu quả.
Một chị bạn đến tâm sự với mình rằng chị rất muốn tối đi làm về được trao đổi nhiều hơn với chồng nhưng chồng chị chỉ nói vài ba câu cho xong chuyện rồi đi ngủ. Chị cảm thấy anh không tôn trọng chị một chút nào. Nhưng khi chị nhận ra rằng, anh không hề cố tình làm thế, chỉ là ngày nào cũng phải đi làm từ 5h sáng cho đến 8h tối, áp lực công việc và mệt mỏi vì phải di chuyển quá nhiều làm anh không còn sức để tranh luận thêm.
Sự khác biệt về cá nhân và cách tiếp nhận thông tin: Mỗi người đều có sự khác biệt về cá nhân cũng như cách tiếp nhận thông tin và giao tiếp ra bên ngoài. Một người có thể có thể bị nhận xét là hay tảng lờ không hẳn vì họ cố tình làm thế mà vì cách tiếp nhận thông tin của họ chậm hơn hoặc họ cần nhiều thời gian để xử lý thông tin trước khi đưa ra phản ứng. Tương tự như vậy, một người có thể chuyển hướng quá sớm do sự nhanh nhạy hoặc không kiên nhẫn trong việc nghe người khác nói quá dài.
Chị M, bạn của mình rất nền tính, đôi khi còn bị nói là chậm chạp. Trong những buổi trò chuyện ở gia đình, mọi người hay bảo rằng chị hay lờ đi khi mẹ chồng chị hỏi nhưng thực tế là vì chị vẫn đang tiếp tục xử lý thông tin để có thể trả lời mẹ chồng chị được gãy gọn và đầy đủ nhất.
Trong bản tin này, chúng ta đã cùng “bắt bệnh” một vài “căn bệnh” điển hình đang làm cho việc kết nối, giao tiếp trong gia đình ngày càng đi xuống. Vậy thì đâu sẽ là gợi ý, cách “chữa bệnh” để những “căn bệnh” trên không còn nhức nhối nữa? Cùng đón chờ trong Phần 2 của bài viết này vào số lần sau nhé.