Tâm sự để vơi đi áp lực
Bản tin #2313: 3 bước giúp bạn dễ dàng mở lòng chia sẻ nhiều hơn về những gì bạn đang gặp phải trên hành trình làm mẹ
Được lắng nghe và chia sẻ là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người. Nhu cầu này còn cao hơn khi các cha mẹ đang gặp nhiều áp lực và mệt mỏi trên hành trình nuôi dưỡng một em bé. Là một người từng vượt qua kiệt sức cũng như đã lắng nghe và tư vấn cho rất nhiều bà mẹ, mình thấy rằng, được san sẻ và lắng nghe tâm sự từ những người thân trong gia đình là một cách rất hữu hiệu giúp các mẹ vượt qua căng thẳng, kiệt sức.
Thế nhưng có khá nhiều rào cản, khó khăn để các chị em có thể mạnh dạn chia sẻ, nói ra tâm sự của mình và kêu sự gọi giúp đỡ từ người thân mỗi khi cần thiết. Trong bản tin hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách để vượt qua những rào cản đó nhé.
Những rào cản khiến phụ nữ ngại chia sẻ về những khó khăn khi làm mẹ
P. là một phó phòng năng nổ và hoạt bát tại công ty. Cô ấy có khả năng chịu được áp lực công việc lớn, xử lý mọi thứ trơn tru và trong nhiều tình huống còn cứu thua cho những hợp đồng quan trọng. Thế nhưng từ khi nghỉ thai sản và chăm con ở nhà, P. luôn cảm thấy mệt mỏi, đầu căng như dây đàn. Cô ấy không thể bình tĩnh mỗi khi nghe con khóc. P. không biết nếu nói ra những điều trên thì mọi người trong nhà có cười cô ấy không? P. rất buồn và tự thấy bản thân thật kém cỏi.
Rất nhiều phụ nữ khi làm mẹ gặp nhiều rào cản trong việc chia sẻ những mệt mỏi, áp lực của mình trên hành trình làm mẹ. Những rào cản đó thường là:
Áp lực và kỳ vọng của xã hội: Gia đình và xã hội thường đặt kỳ vọng cao vào người phụ nữ, rằng họ phải “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Đã là vợ, là mẹ mà không cân đối được công việc, không biết chăm sóc con là kém. Điều đó làm rất nhiều người mẹ không dám than phiền về những khó khăn của mình với người thân vì sợ bị chê bai.
Sợ bị phê phán hoặc không hiểu: Xuất phát từ áp lực và kỳ vọng của xã hội mà những người mẹ đang trải qua kiệt sức ngại chia sẻ và tâm sự. Một khách hàng của mình đã tâm sự rằng:
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Nói ra có khi không bớt đi mệt mỏi mà còn mang thêm bực. Họ không phải mình nên họ không hiểu được những gì mình đã phải trải qua. Rồi họ mang trải nghiệm, kinh nghiệm của họ đến phán xét mình. Vậy chẳng thà đừng nói gì còn hơn
Sợ mất đi hình ảnh mạnh mẽ: Nhiều cha mẹ muốn duy trì hình ảnh mạnh mẽ và kiên cường, không muốn người khác thấy mình yếu đuối hoặc không đủ lực để đối mặt với khó khăn.
Mình là một điển hình của nỗi sợ này. Trước khi làm mẹ, mình mạnh mẽ và luôn là người đứng ra gánh vác trọng trách trong đội nhóm. Trong mặt ông xã, mình cũng luôn là người quyết đoán và dám đối mặt. Thế nên khi phải một mình chăm sóc con suốt thời kỳ giãn cách Covid-19, mỗi khi chồng trở về nhà sau vài tuần đi làm xa, mình luôn cố gắng vui vẻ, tỏ ra là mình ổn. Nhưng sâu bên trong, mọi thứ vỡ vụn. Khi chồng đi làm rồi, mình đóng cửa phòng và gục xuống nức nở nhưng nếu chồng hỏi em ổn không thì mình luôn cười và nói em ổn. Mình sợ mất đi hình ảnh mạnh mẽ vốn có.
Khó khăn trong việc diễn đạt: Nhiều cha mẹ gặp khó khăn trong việc miêu tả, nói ra chính xác những gì mình đang gặp phải. Họ chỉ biết là họ không ổn, nhưng không ổn như thế nào, không ổn vì điều gì thì không trả lời được.
Trải qua những phiên trò chuyện và lắng nghe sâu với khách hàng cũng như kinh nghiệm tự vượt qua kiệt sức, mình giới thiệu 3 bước để giúp bạn dễ dàng chia sẻ và tâm sự với người thân của mình hơn.
3 bước giúp bạn dễ dàng chia sẻ những khó khăn của mình với người thân
Bước 1: Làm rõ mong muốn và kỳ vọng của bản thân trong vài trò làm cha mẹ
Đây là bước quan trọng nhất vì mình phát hiện ra nút thắt trong câu chuyện không thể chia sẻ và tâm sự với người thân về khó khăn khi làm mẹ của nhiều bà mẹ đến từ việc họ chưa xác định được mong muốn và kỳ vọng của bản thân trong vai trò làm cha mẹ.
Bạn mong muốn con bạn được phát triển ra sao, mọi người giúp đỡ bạn thế nào để bạn thấy thoải mái… bạn chưa hình dung và làm rõ được. Khi mọi thứ chưa rõ ràng, bạn sẽ không biết phải bắt đầu từ đâu, sẽ nói điều gì. Suy cho cùng, những lần tâm sự bạn đều muốn mọi người có thể hiểu bạn hơn và giúp đỡ bạn vượt qua những khó khăn. Chỉ cần bạn xác định rõ được những điều này, ít nhất 50% khó khăn bạn đã vượt qua được.
Bước 2: Tìm người bạn cảm thấy tin tưởng và thoải mái nhất để chia sẻ
Là bất cứ ai cũng được: bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng, chồng hay thậm chí là bạn bè. Một người có thể lắng nghe bạn chân thành không phán xét, luôn động viên, ghi nhận và cho bạn cảm giác an toàn để dốc hết tâm can mà nói. Có thể đôi khi bạn biết mình cần làm gì nhưng được tâm sự và nói ra đã giúp bạn cảm thấy nhẹ nhàng và thoải mái hơn rất nhiều.
Bước 3: Lựa chọn môi trường và cách thức chia sẻ phù hợp
Để việc chia sẻ được hiệu quả, bạn cầm một không gian thoải mái và an toàn. Hãy lựa chọn cách thức trao đổi khiến bạn tự tin nhất. Không cần thiết phải gặp mặt và nói chuyện trực tiếp, nhiều chị em lựa chọn cách nhắn tin vì họ cảm thấy không căng thẳng và có thời gian để lựa chọn, trau chuốt ngôn từ hơn. Nếu người bạn muốn tâm sự đang ở xa, điều kiện không cho phép bạn gặp gỡ, hãy lựa chọn phương thức liên lạc thuận tiện nhất với cả hai.
Sẽ còn những tiếng nói nhỏ, những níu kéo khiến bạn chưa muốn chia sẻ những khó khăn, áp lực của mình với người thân mặc dù đã làm hết 3 bước kể trên. Không sao cả, cứ bắt đầu từ từ nhé. Thử nói từng chút một, nói những điều bạn cảm thấy dễ dàng nhất trước. Bạn không thử thì sẽ không thể biết được có hiệu quả hay không.
Nếu bạn cần tâm sự cùng ai đó để lắng nghe và giúp bạn xác định mong muốn và kỳ vọng của bản thân trong vài trò làm cha mẹ, gỡ rối những rào cản khác, mình đang mở những phiên lắng nghe sâu miễn phí để giúp đỡ các mẹ trên hành trình này.
Mong rằng những chia sẻ trong bản tin hôm nay sẽ hữu ích với bạn, mình luôn ở đây và sẵn sàng lắng nghe. Cám ơn các bạn rất nhiều!