Lời cám ơn sâu sắc tới các độc giả của bản tin The Mom Reboot
Kỷ niệm 3 tháng bản tin The Mom Reboot ra đời và những điều lần đầu Hồng Anh chia sẻ
Xin chào tất cả mọi người!
Vậy là đã tròn 3 tháng, mình cho ra đời bản tin The Mom Reboot. Một quãng thời gian không dài nhưng cũng đủ để mình học hỏi và có động lực để tiếp tục đưa tới những nội dung chuyên sâu hơn cho bản tin.
Cám ơn mọi người đã luôn ủng hộ, dõi theo mình từ những bài viết đầu tiên cho đến bây giờ. Bản tin hôm nay, cùng hiểu thêm về Hồng Anh và những điều có thể bạn chưa biết về bản tin The Mom Reboot thông qua một số câu hỏi thú vị mà mọi người hỏi mình nhé. Nào chúng ta cùng bắt đầu!
Câu 1: Tại sao bản tin này lại tên là The Mom Reboot? Nó có ý nghĩa gì thế Hồng Anh?
“Reboot” là một thuật ngữ dùng trong công nghệ, Cụ thể, “reboot” là khởi động lại hệ thống để cải thiện tình trạng hoạt động của máy tính. Trong quá trình sử dụng, các chương trình đang chạy trong máy tính có thể xuất hiện một vài lỗi mã - làm ảnh hưởng đến hệ thống điểu khiển của máy. Lúc này, bạn cần phải reboot lại máy - khởi động lại máy để tái hoạt động các chương trình nhằm cải thiện tình trạng máy hoạt động được tốt hơn.
Bạn có thể quá quen với cụm từ “reset” và thắc mắc, thế thì reset và reboot khác nhau ở đâu? Reset là khởi động lại hệ thống nhằm khôi phục lại tình trạng gốc của máy ban đầu, còn Reboot là khởi động lại hệ thống nhắm cải thiện tình trạng máy hoạt động tốt hơn.
Từ ý tưởng này, mình đã quyết định đặt tên cho bản tin là The Mom Reboot với mong muốn, những thông tin, hướng dẫn chia sẻ tại đây có thể giúp các mẹ tái khởi động và cải thiện thiện được nhiều điều trong chính cuộc sống của mình. Các mẹ có thể không cần phải khôi phục cài đặt gốc nhưng những mệt mỏi trong cuộc sống, trên hành trình làm mẹ rất cần được “dọn dẹp” bớt đi để chúng ta cùng nhau tận hưởng những niềm vui và hạnh phúc còn đang ở phía trước.
Câu 2: Mình được biết bạn là một Parental Burnout Coach, nhưng thực sự thì mình chưa hiểu Parental Burnout là gì, bạn có thể giải thích thêm được không?
Có thể bạn đã từng nghe tới khái niệm “Job burnout” ( tạm dịch: Kiệt sức vì công việc) thì “Parental burnout” cũng có thể được tạm dịch là: Kiệt sức khi làm cha mẹ.
Không giống như những căng thẳng thông thường hoặc xảy ra nhất thời trong quá trình nuôi dạy con cái, kiệt sức khi làm cha mẹ là một hội chứng liên quan đến căng thẳng kéo dài (mãn tính) mà nhiều người gặp phải trong vai trò là cha mẹ. Nó biểu thị là một loạt những mệt mỏi, đau khổ khi nguồn lực mà cha mẹ đang có không thể bù đắp nổi cho những căng thẳng trong việc nuôi dạy con (kéo dài từ 3 tháng trở lên).
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, kiệt sức khi làm cha mẹ có thể gây ra rối loạn điều hòa ở trục Hạ đồi - Tuyến yên - Tuyến thượng thận dẫn đến lông tóc mọc nhiều. Nồng độ cortisol (hooc môn căng thẳng) ở cha mẹ kiệt sức có thể cao gấp đôi so với những người khác có đặc điểm nhân khẩu học tương tự.
Bên cạnh đó, kiệt sức khi làm cha mẹ còn mang theo rất nhiều tác động tiêu cực đến cả cha mẹ và con cái của họ.
Các nghiên cứu đã cho thấy, kiệt sức khi làm cha mẹ làm suy giảm đáng kể sức khỏe tinh thần và thể chất của của cha mẹ: xuất hiện ngày càng nhiều ý định tự tử, bỏ bê con cái hoặc bạo lực gia đình… Về phía trẻ nhỏ, sự kiệt sức của cha mẹ có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe tâm thần của trẻ: gia tăng các triệu chứng trầm cảm, rối loạn lo âu,...
Thực tế khi mình trò chuyện với nhiều khách hàng, mọi người cảm thấy có chút không thoải mái khi nhắc đến cụm từ “kiệt sức” vì mọi người thấy rằng nó nặng nề quá. Nhưng trên thực tế không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới, có hàng ngàn cha mẹ đang phải trải qua kiệt sức mỗi ngày. Kiệt sức hay căng thẳng trong quá trình nuôi dạy con không phải là điều hiển nhiên ai cũng phải trải qua và không cần quan tâm nhiều. Mọi thứ đã thay đổi khác với 40 năm trước rất nhiều và những điều này cần được gia đình và xã hội quan tâm đúng mức hơn để không còn những câu chuyện thương tâm về những người mẹ trong lúc quẫn trí ôm con tìm cách quyên sinh.
Câu 3: Nếu bạn là một Parental Burnout Coach, tại sao suốt 3 tháng vừa qua, trong bản tin bạn đều nhắc về câu chuyện giao tiếp?
Về bản chất, kiệt sức xảy ra khi có sự mất cân bằng quá lớn và kéo dài giữa những nguồn lực và áp lực mà cha mẹ đang có (áp lực nhiều hơn nguồn lực). Cách thức chung để vượt qua kiệt sức chính là tăng cường nguồn lực, giảm tải áp lực để tái cân bằng cán cân nguồn lực - áp lực.
Chúng ta không thể phủ nhận, ngoài khả năng linh hoạt và ứng biến của chính chúng ta thì chồng, bố mẹ, bạn bè hãy những người thân trong gia đình đang là những nguồn lực bên ngoài hỗ trợ đắc lực. Gửi con cho ông bà trông để bố mẹ yên tâm đi làm chính là một ví dụ điển hình của việc kêu gọi thêm nguồn lực bên ngoài hỗ trợ.
Vậy làm thế nào để có thể kêu gọi được những nguồn lực này một cách dễ dàng? Cách duy nhất chính là chúng ta phải NÓI RA. Dù bằng hình thức nào thì bạn cũng cần phải diễn tả điều đó ra cho mọi người thì mọi người mới biết và giúp bạn. Nếu như bạn có thể dễ dàng tâm sự và mở lời với mọi thành viên trong gia đình, thì sự kêu gọi này vô cùng đơn giản, có khi bạn chưa kịp lên tiếng, mọi người đã rất thông cảm, thấu hiểu, thương bạn rồi xung phong tự nhận làm hết việc nọ việc kia để bạn được nghỉ ngơi.
Đó là lý do vì sao trước khi đi sâu và câu chuyện vượt qua kiệt sức khi làm cha mẹ, mình lại dành thời gian đào sâu vào câu chuyện giao tiếp, bởi vì mình tin rằng, giao tiếp hiệu quả chính là chìa khóa, là cách dễ dàng nhất để bạn có thể kêu gọi những nguồn lực bên ngoài hỗ trợ bạn “áp đảo” lại những mệt mỏi áp lực bạn đang phải trải qua.
Câu 4: Hiện tại mình chưa biết tìm kiếm thêm các thông tin về Kiệt sức khi làm cha mẹ (Parental Burnout) ở đâu, Hồng Anh có thể giới thiệu cho mình thêm các nguồn tham khảo không?
Thấu hiểu nhu cầu và mong muốn được tìm hiểu nhiều hơn về một khái niệm còn khá mới không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, thời gian tới mình sẽ dành nhiều bài viết, bản tin chất lượng để gửi tới các bạn đọc quan tâm tới Kiệt sức khi làm cha mẹ. Tại bản tin The Mom Reboot được lên sóng vào sáng thứ 3 hàng tuần, mục “Parental Burnout” sẽ bắt đầu lên sóng bài đầu tiên và tuần sau.
Câu 5: Hồng Anh có chứng chỉ hay bằng cấp nào liên quan đến Kiệt sức khi làm cha mẹ không?
Tháng 11/2022, mình chính thức nhận được chứng nhận “Nhà thực hành chuyên nghiệp về Hội chứng Kiệt sức khi làm cha mẹ” được trao bởi viện nghiên cứu về Hội chứng cha mẹ Kiệt sức tại Bỉ. Đây là viện, lab nghiên cứu do 2 giáo sư Moira Mikolajczak và Isabelle Roskam thành tập nằm trong khuôn khổ trường đại học UCLouvain – Université catholique de Louvain.
Những chia sẻ, tâm sự hôm nay đã khá dài rồi, một lần nữa, mình gửi lời cảm ơn sâu sắc tới toàn thể độc giả đang theo dõi bản tin The Mom Reboot. Hi vọng rằng trong thời gian tới, mọi người sẽ tiếp tục ủng hộ và chia sẻ bản tin tới nhiều người hơn nữa để mình có cơ hội vươn dài cách tay kết nối, chia sẻ và giúp đỡ thật nhiều nhiều mẹ từ khắp mọi nơi vơi đi áp lực để tận hưởng và hạnh phúc trong cuộc sống và trên hành trình làm mẹ.
Chúc mọi người một ngày mới luôn vui!
Nguồn tham khảo: https://www.researchgate.net/publication/361472597_Reappraisal_Social_Support_and_Parental_Burnout