Làm cha cũng áp lực lắm (Phần 2)
Bản tin #2315: Một vài hướng dẫn để hỗ trợ chồng vượt qua căng thẳng và mệt mỏi khi làm cha mẹ
Bạn thân mến,
Trong bản tin tuần trước, chúng ta đã biết rằng, hội chứng kiệt sức khi làm cha mẹ (Parental Burnout) xuất hiện không chỉ ở các mẹ mà còn ở các ông bố. Một số yếu tố tạo nên sự khác biệt khi trải qua kiệt sức của đàn ông và phụ nữ có thể được kể đến là:
Đàn ông ít có ưu thế hay khả năng chăm sóc con cái hơn phụ nữ. Vậy nên khi căng thẳng hoặc áp lực khi nuôi dạy trẻ, họ thường ngại hoặc gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ giải quyết các vấn đề.
Khả năng chịu áp lực, căng thẳng liên quan đến chăm sóc con cái của đàn ông thường kém hơn phụ nữ.
Ngày nay, các ông bố cũng rất cố gắng để hoàn thành thật tốt cả vai trò làm cha và trụ cột trong nhà. Nhiều ông bố chia sẻ rằng, từ khi có con mình đã nỗ lực làm việc nhiều hơn trước để kiếm thêm thu nhập giúp cuộc sống gia đình tốt hơn. Mình cố gắng đọc thêm để hiểu về con, muốn về sớm để giúp đỡ vợ chăm con. Nhưng thực sự đôi lúc thấy quá tải vì đi làm cũng rất mệt mà chăm con là việc mình chưa từng làm, vì vậy rất lóng ngóng và khó khăn. Khi đứng ở vị trí một người vợ, người mẹ, bạn có thể làm gì để san sẻ và giúp đỡ chồng mình vượt qua những khó khăn này? Cùng tìm hiểu trong bản tin hôm nay.
Trước khi đi vào những hướng dẫn cụ thể, cùng mình điểm qua một vài dấu hiệu cho thấy chồng bạn có thể đang trải qua kiệt sức.
1, Dấu hiệu thể hiện chồng bạn đang trải qua kiệt sức
Mối quan hệ với gia đình ngày càng lỏng lẻo:
Anh ấy không muốn chăm sóc hay gần gũi với con nhiều như trước. Anh ấy có thể vẫn nhận những công việc liên quan tới chăm sóc con nhưng sẽ không hào hứng, dễ nổi cáu và mất kiên nhẫn với con.
Anh ấy cũng không lắng nghe hay chia sẻ với bạn về những việc liên quan tới con.
Sức khỏe thể chất và tinh thần giảm sút:
Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ. Có thể tăng cân hoặc giảm cân mất kiểm soát.
Hay căng thẳng, dễ nổi cáu hoặc bộc phát cảm xúc quá mạnh, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới con.
Cảm xúc tiêu cực: cảm thấy thất vọng về bản thân trong vai trò cha, mất đi niềm vui khi ở bên con.
Đây là một vài dấu hiệu khá thường gặp, bạn có thể tìm đọc kỹ hơn những dấu hiệu sơ cấp và thứ cấp của hội chứng kiệt sức khi làm cha mẹ mình đã chia sẻ. Mình cũng khuyến khích bạn mời chồng tham gia bài đánh giá mức độ kiệt sức bản rút gọn để nắm cụ thể hơn các vấn đề anh ấy đang gặp phải.
Sau khi đã xác định các vấn đề, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những cách có thể làm để giúp anh ấy vượt qua căng thẳng và áp lực.
2, Hỗ trợ chồng cùng vượt qua căng thẳng và kiệt sức
Lắng nghe và thấu hiểu:
Dành thời gian và không gian thoải mái và an toàn để hỏi và lắng nghe những tâm sự của chồng về cảm nhận, suy nghĩ hay khó khăn anh ấy đang gặp phải trong quá trình chăm sóc con. Nếu anh ấy không biết phải bắt đầu từ đâu, bạn có thể bắt đầu từ những gợi mở câu chuyện đơn giản:
Dạo này em thấy anh mệt mỏi nhiều, anh có thể chia sẻ với em cho vơi đi. Em hi vọng mình cũng có thể giúp anh được phần nào!
Anh có gặp khó khăn gì khi chăm sóc hay chơi cùng con không? Chia sẻ cùng em để em hỗ trợ anh nhé!
Hãy lắng nghe mà khoan nhận xét hay nêu ý kiến cá nhân của mình về những vấn đề mà chồng mình đang gặp phải. Đồng cảm và thể hiện sự san sẻ của mình với anh ấy để anh ấy có thể chia sẻ nhiều hơn. Càng nhiều thông tin, bạn sẽ càng hiểu và có những giúp đỡ anh ấy tốt hơn ở các bước sau.
Bạn có thể tham khảo thêm những hướng dẫn và gợi ý của mình trong trò chuyện hiệu quả với chồng ở những bản tin trước nhé.
Đồng hành và san sẻ trong việc chăm sóc con:
Sau khi đã lắng nghe những chia sẻ của chồng, bạn hãy hỏi về những mong muốn và điều gì bạn có thể làm để hỗ trợ anh ấy. Lắng nghe và chia sẻ đã là bước rất tốt giúp anh ấy có thể giải tỏa những căng thẳng và áp lực. Nhưng để cải thiện các vấn đề, anh ấy cũng cần những phương án hành động cụ thể hơn để thực sự giúp anh ấy.
Một vài gợi ý trong việc hỗ trợ chồng chăm sóc con bạn có thể tham khảo:
Lựa chọn những việc phù hợp với anh ấy. Bắt đầu từ những việc trong khoảng thời gian ngắn: luân phiên trông con trong một khoảng thời gian nhất định để tránh tạo căng thẳng; (bổ sung thêm)
Hướng dẫn từng bước các công việc cụ thể. Ví dụ bạn muốn chồng thay bỉm hoặc vệ sinh cá nhân cho con, hãy hướng dẫn và làm mẫu từng bước cụ thể để anh ấy dần học theo. Giải đáp thắc mắc nếu có và động viên anh ấy mỗi khi anh ấy hoàn thành tốt.
Chia sẻ nhiều hơn về con để anh ấy có thể hiểu và cảm thấy mình không hề xa cách hay khó khăn trong việc thấu hiểu con thông qua các mốc phát triển của con. Ở nhà, mình thường xuyên cập nhật và tám chuyện với chồng về những gì con đang trải qua. Ví dụ như hôm nay con đã làm được những gì, con ngộ nghĩnh đáng yêu ra sao…
Chia nhỏ các công việc và cùng nhau làm. Ví dụ việc tắm cho con, mình chia thành 2 việc nhỏ hơn là tắm cho con và sấy tóc mặc quần áo. Mình để chồng lựa chọn phần anh ấy muốn làm rồi mình sẽ đảm nhận phần còn lại. Cảm giác được chung tay chăm sóc con đều khiến cả 2 vợ chồng được san sẻ và đồng hành cùng nhau.
Khuyến khích chồng tham gia các hoạt động giúp tái tạo năng lượng:
Mọi người có lầm tưởng là chỉ cần nằm dài, lướt điện thoại không làm gì đã giúp tái tạo năng lượng nhưng sự thật thì có nhiều hoạt động khác không chỉ giúp bạn cải thiện sức khỏe mà còn giúp bạn tái tạo năng lượng tốt hơn rất nhiều việc chỉ nằm một chỗ.
Nhịp sống và cường độ công việc lớn ngày nay khiến nhiều người không còn thời gian để dành cho việc vận động cơ thể hợp lý. Các nghiên cứu khoa học đều chứng minh rằng: vận động cơ thể ở mức độ hợp lý sẽ giúp cải thiện mức độ stress, các vấn đề liên quan đến xương khớp và sức khỏe tổng thể.
Khuyến khích, giúp chồng bạn sắp xếp công việc để dành cho thể dục, làm những điều mình yêu thích một cách hợp lý chính là một gợi ý hữu ích giúp tái tạo lại năng lượng.
Tìm kiếm các nguồn thông tin hoặc sự giúp đỡ của các chuyên gia:
Nếu như bạn thấy rằng, chồng bạn cần thêm các thông tin kiến thức để củng cố thêm hiểu biết và sự tin tưởng thì vợ chồng bạn có thể tự tìm đọc các nguồn thông tin tham khảo, bổ sung kiến thức nuôi dạy con phù hợp hoặc tạo điều kiện để anh ấy nhận thêm sự hỗ trợ từ các chuyên gia.
Có kiến thức và hiểu biết nhất định ở một lĩnh vực bạn đang quan tâm cũng sẽ giúp bạn giảm bớt sự hoang mang lo lắng và căng thẳng khi phải đối mặt với nó. Vì vậy các cha mẹ, đặc biệt là những gia đình lần đầu có con hãy tự trang bị thêm cho mình những kiến thức chăm sóc và nuôi dạy con ngay từ giai đoạn chuẩn bị để phòng tránh tình trạng kiệt sức khi cha mẹ sau này.
3, Lời kết
Kiệt sức trên hành trình làm cha mẹ có thể xảy ra với bất cứ ai nếu những áp lực liên tục vượt quá khả năng và nguồn lực họ đang có nhưng sự quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần của gia đình và xã hội thường hướng nhiều hơn tới người mẹ hơn bố. Là một người vợ, thấu hiểu và san sẻ cùng chồng những khó khăn này chính là cách để cùng nhau nâng đỡ, hỗ trợ, cùng nhau tốt hơn để vượt qua áp lực căng thẳng và hạnh phúc trên hành trình làm cha mẹ này.