Làm cha cũng áp lực lắm (Phần 1)
Bản tin #2314: Hội chứng kiệt sức khi làm cha mẹ không chỉ xảy ra với phụ nữ mà còn cả với đàn ông
Mỗi khi mình phải có việc đi ra ngoài cả ngày vào cuối tuần, chồng mình sẽ đảm đương công việc chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Tuy đã được mình hướng dẫn nhưng anh vẫn tỏ ra khá căng thẳng khi phải trông con một mình. Có khá nhiều lo lắng trong anh như: anh dễ nổi nóng với con khi anh nhắc nhở mà con không chịu làm, lúc nào con cũng muốn anh phải chơi cùng làm anh không có khoảng nghỉ ngơi, anh cho con ăn cơm không được nhiều và khéo như em… Đây có thể đều là những công việc hằng ngày và dễ dàng đối với rất nhiều người mẹ nhưng khi phải đảm đương thì những ông bố lại khá hoang mang và có phần căng thẳng.
Mình nhận ra rằng, kiệt sức hay căng thẳng trong nuôi dạy con đều xảy ra ở cả phụ nữ và đàn ông. Khi đàn ông trải qua căng thẳng này, họ sẽ khó khăn để vượt qua hơn phụ nữ.
Theo bài chia sẻ của Training Institue for Psychology and Health, trong số các gia đình ghi nhận có tình trạng kiệt sức, các nghiên cứu dịch tễ học chỉ ra rằng 2/3 trong số họ là phụ nữ và 1/3 là đàn ông. Mặc dù phụ nữ vẫn đảm nhận phần lớn công việc nuôi dạy con nhưng đàn ông hiện nay đang ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho công việc này. Nuôi dạy con cái giờ đây đối với đàn ông “tốn kém” hơn phụ nữ, bởi vì phụ nữ đã được làm quen để đảm nhận vai trò này từ khi còn rất nhỏ, nhưng đàn ông thì không.
Ngày nhỏ, các bé gái thường chơi búp bê, nấu ăn còn bé trai bận rộn với máy móc, siêu nhân. Lớn lên, phần lớn phụ nữ sẽ làm tốt những công việc chăm sóc con cái còn đàn ông sẽ làm những việc lớn lao và đòi hỏi nhiều sức khỏe hơn. Tuy nhiên ngày nay, mong muốn của rất nhiều phụ nữ là chồng mình không phải chỉ biết mỗi kiếm tiền mà còn quan tâm chăm sóc con cái và gia đình đúng mực.
Căng thẳng khi nuôi dạy con cái là điều hoàn toàn bình thường và trong đa số các trường hợp là lành mạnh nhưng kiệt sức khi làm cha mẹ thì không. Trong bản tin hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu 2 sự khác biệt lớn ở đàn ông và phụ nữ khi trải qua tình trạng kiệt sức để từ đó cũng hiểu được, làm cha cũng áp lực.
1, Đàn ông gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ giúp họ giải quyết các vấn đề trong việc nuôi dạy con cái.
Lý do chính khiến đàn ông thường không yêu cầu giúp đỡ khi gặp khó khăn vì họ tin rằng, cuối cùng mọi chuyện sẽ ổn (điều này không phải lúc nào cũng đúng) hoặc họ cảm thấy người cần được hỗ trợ ở đây không phải là mình mà là vợ hay con mình.
Cẳng thẳng trong nuôi dạy con cái có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc và sức khỏe của người cha
Tại sao chúng ta cần phải biết điều này? Bởi vì rất nhiều người nghĩ rằng, họ có thể tự mình vượt qua khó khăn này được hoặc tôi đủ mạnh mẽ để sức khỏe và tinh thần không bị ảnh hưởng bởi những vấn đề liên quan đến nuôi dạy con. Nhưng thực tế cho thấy, đàn ông có nhiều khả năng gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần hơn phụ nữ. Họ cần nhận thức được điều đó để sẵn sàng tìm kiếm sự giúp đỡ, cải thiện sức khỏe tinh thần cho mình.
Nếu bạn đã trở thành một ông bố và đang gặp phải những vấn đè có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mình, đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ. Có rất nhiều lựa chọn, không chỉ dùng thuốc mà còn có các lựa chọn tư vấn. Tư vấn trực tuyến đang ngày được lựa chọn nhiều hơn vì linh hoạt cho những người có lịch trình bận rộn.
Ai cũng cần được giúp đỡ khi mệt mỏi, cần được tiếp cận những nguồn lực có thể giúp đỡ nếu họ quá căng thẳng hoặc nhận thấy sức khỏe của mình có điều gì đó không ổn.
2, Đàn ông thể hiện tình trạng kiệt sức khác với phụ nữ
Họ thường thể hiện sự kiệt sức của mình thông qua tức giận và thất vọng. Giống như phụ nữ, đàn ông có xu hướng chấp nhận các giá trị của xã hội. Do đó, họ cũng cảm thấy mình thất bại nếu không thể sống theo những giá trị trên. Nhiều người bị áp lực khi nghĩ rằng: trở thành một người cha tốt nghĩa là phải dành nhiều thời gian cho gia đình nhất có thể. Khi họ không thể dành nhiều thời gian cho con cái vì công việc hoặc một lý do khác (ví dụ: thường làm việc nhiều giờ, hay đi công tác) họ cảm thấy có lỗi. Đôi khi, họ trút hết cảm giác tội lỗi và thất vọng này lên con cái. Và rồi chính điều này lại càng khiến họ cảm thấy tội lỗi và thất vọng hơn trong vai trò làm cha của mình.
Những đứa trẻ trong gia đình có bố mẹ trải qua kiệt sức cũng thể hiện sự đau khổ của mình bằng nhiều cách. Một số sẽ trở nên hiếu động và hung dữ hơn, số khác thì lầm lỳ và ít tương tác hẳn. Vì vậy, cha mẹ kiệt sức có thể gặp khó khăn hơn trong việc chăm sóc những đứa trẻ sau khi đi làm về.
Các ông bố có thể gặp nhiều căng thẳng hơn vào cuối ngày vì sức chịu đựng của đàn ông thường kém hơn phụ nữ. Họ bắt đầu có xu hướng hành động thù địch với con cái mình. Cuối cùng là thấy mình thật vô dụng khi không có đủ khả năng chăm sóc gia đình theo cách mình mong muốn.
Hậu quả của tình trạng kiệt sức khi làm cha mẹ đối với nam giới cũng tương tự như ở nữ giới, nhưng khác nhau ở sắc thái. Nó dẫn đến mức độ hài lòng và hạnh phúc thấp hơn, kém ổn định hơn về mặt cảm xúc khi ở nhà. Kiệt sức cũng gây ra các vấn đề về sức khỏe như: đau đầu, các vấn đề về đường tiêu hóa, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm và lạm dụng hoặc lệ thuộc vào chất gây nghiện. Tiêu cực hơn, một số người cảm thấy choáng ngợp đến mức muốn rời xa gia đình. Họ yêu con nhưng không thể chịu được việc làm cha nữa…
Không phải chỉ phụ nữ mới cần được thông cảm và chia sẻ giúp đỡ từ mọi người, đàn ông cũng cần. Nếu bạn nhận thấy chồng mình có thể cũng đang trải qua căng thẳng, áp lựckhi chăm sóc và nuôi dạy con, hãy đồng hành và động viên anh ấy để cùng nhau vượt qua những ngày giông bão khó khăn này nhé. Rồi mọi việc sẽ tốt đẹp hơn!
Trong bản tin tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những điều phụ nữ có thể giúp chồng mình dễ dàng vượt qua tình trạng kiệt sức này.