Bí kíp "nhờ việc" con mà vẫn được con yêu thương
Bản tin #2317: Những gợi ý đơn giản để biến việc nhà thành sân chơi hấp dẫn cho con và xây dựng tình cảm gia đình
Tuần trước, cô giáo của con nhắn tin với mình rằng: “Chị ơi, ngày mai ở lớp có hoạt động Show & Tell: nói về món ăn yêu thương mà bé cùng làm với mẹ. Chị có thể cùng con làm giúp cô 1 món ăn nhẹ nhàng mà con yêu thích để mang tới lớp chia vui cùng các bạn được không ạ?”
Mình thấy đây là hoạt động rất hữu ích và sẽ được rất nhiều cha mẹ hưởng ứng đây. Nhưng bất ngờ là cô giáo bảo: “May quá có phụ huynh đồng cam cộng khổ như chị. Các phụ huynh khác toàn kêu bận hoặc bảo con chị không biết làm thôi!”. Cùng con chuẩn bị một chút đồ ăn nhẹ như hoa quả hoặc snack khá đơn giản và không tốn nhiều thời gian nhưng nhiều cha mẹ lại nghĩ rằng các con chưa thể làm được. Sự thật là nếu như cha mẹ hướng dẫn và trao cơ hội thực hành cho các con được tham gia vào các công việc nhà thì các con có thể làm tốt các nhiệm vụ là hoàn toàn được.
Hôm nay mình sẽ chia sẻ với các bạn những bí kíp “nhờ con việc nhà” hữu hiệu. Bản tin hôm nay có 4 phần chính:
Lợi ích khi để con tham gia làm việc nhà
Bí kíp hướng dẫn trẻ tham gia các hoạt động tại gia đình
Gợi ý các công việc nhà phù hợp theo độ tuổi
Một số sai lầm cần tránh trong khi hướng dẫn con làm việc nhà
Cùng bắt đầu bản tin hôm nay nhé!
1, Lợi ích khi để con tham gia việc nhà
Rèn luyện kỹ năng sống thiết thực cho trẻ: Các công việc đơn giản liên quan tới tự chăm sóc bản thân như: tự ăn, tự lựa chọn và mặc quần áo, vệ sinh cá nhân, dọn dẹp giường và phòng… đều giúp con rèn được những kỹ năng sống, khả năng tự chăm sóc bản thân tối thiểu.
Nhiều cha mẹ tâm sự với mình rằng, chỉ cần gửi con cho ông bà trông một ngày thôi cũng lo vì ông bà không biết đánh răng theo ý con, không biết cho con ăn thế nào khiến mình rất lo. Vậy tại sao bạn không giới thiệu và để con rèn luyện những kỹ năng đó trong môi trường an toàn là chính ngôi nhà của mình? Đó chính là những bài học đầu tiên của trẻ.
Giúp trẻ có trách nhiệm và ý thức về bổn phận: Nhiều cha mẹ than phiền rằng “con chị lớn tướng rồi nhưng đi học về là quăng cặp, chả để ý nhà cửa xem phải làm gì, lúc nào cũng chỉ ngồi chờ ai đó đến phục vụ”. Vấn đề chính thực ra lại từ phía phụ huynh khi ngay từ nhỏ đã không dạy trẻ về trách nhiệm và bổn phận của tối thiểu ở trong nhà. Mọi người luôn nghĩ rằng con còn quá nhỏ để hiểu, đợi lớn rồi dạy sau nhưng sự thật là càng bé, các con càng tiếp thu và dễ uốn nắn chỉ bảo hơn.
Gắn kết tình cảm gia đình, cha mẹ - con cái: Cùng mình hình dung một bữa tối ấm áp trong căn nhà nhỏ nhé. Mẹ đang nhanh tay đảo nóng món ăn cuối, bố giúp mẹ bày đồ ăn lên đĩa, bạn lớn chuẩn bị bát đũa, bạn nhỏ loay hoay lau bàn, kéo ghế. Sự gắn kết tình cảm gia đình chính là những hành động nhỏ này. Mọi người cùng vui, cùng hạnh phúc khi được chia sẻ mọi việc trong nhà.
Trẻ trở nên tự tin, độc lập và tự lập hơn: Khi con có những kỹ năng tự chăm sóc bản thân, làm các công việc đơn giản phù hợp với lứa tuổi, chắc chắn con sẽ cảm thấy tự tin và độc lập hơn. Con không quá phụ thuộc thì sẽ không còn lo lắng nếu phải rời xa cha mẹ trong một khoảng thời gian nhất định. Con có thể chủ động trong các quyết định của mình hơn khi lớn lên.
Những lợi ích chúng ta đã nhìn thấy rõ, vậy bây giờ cùng tìm hiểu những bí kíp để hướng dẫn con tham gia vào các hoạt động của gia đình nhé.
2, Bí kíp hướng dẫn con tham gia vào các hoạt động của gia đình
Chia nhỏ công việc, phù hợp khả năng và lứa tuổi của trẻ: ví dụ như việc hướng dẫn bé cùng chuẩn bị bữa cơm với mẹ. Ở lứa tuổi nhỏ, bạn hướng dẫn con tự chuẩn bị bát, thìa cho bé là đã đạt yêu cầu. Khi lớn hơn, bạn tiếp tục hướng dẫn và giao nhiệm vụ cho bé chuẩn bị bát đũa cho cả bố mẹ và các thành viên khác. Nếu bạn lo lắng bé có thể làm vỡ bát, hãy chuẩn bị bát nhựa hoặc bát silicone để bé tập trước khi giao cho bé bát sứ. Khi bé chuyển sang bê bát sứ, bạn bắt đầu với việc để bé bê mỗi lần từng chiếc rồi khi bé quen thì tăng lên 2, 3 chiếc trong một lần bê.
Hướng dẫn cụ thể, kiên nhẫn, làm mẫu trước khi yêu cầu con làm: một ví dụ khác về hoạt động vệ sinh cá nhân nhé. Bạn hướng dẫn con tự rửa mặt, hãy làm mẫu để bé hình dung cách mở khăn, lau mặt như thế nào. Cầm tay con cùng làm cho những lần đầu tiên và kiên nhẫn đợi con có thể dần thành thạo kỹ năng này sau rất nhiều lần luyện tập. Lần đầu có thể còn vụng về nhưng liên tục rèn luyện chắc chắn con sẽ làm tốt. Đừng nên sốt ruột rồi lấy luôn chiếc khăn để làm cho nhanh, vậy thì con sẽ không có cơ hội để thực hành.
Nếu như các hoạt động này bé còn làm chậm và cần kiên nhẫn, bạn hãy lựa chọn khung giờ rèn luyện vào buổi tối thay vì buổi sáng cho đỡ vội. Chủ động làm sớm lên so với giờ quy định để cả bạn và bé đều không gấp gáp và tận hưởng niềm vui cùng nhau nhé.
Khen ngợi, động viên khi con làm tốt; lưu ý chỉ bảo nhẹ nhàng nếu con mắc lỗi: Chắc chắn rồi, mỗi lần con thực hiện được một hoạt động thì khen ngợi và động viên sẽ tăng động lực và là sự ghi nhận nỗ lực rất lớn của con. Không ai những lần đầu tự làm đã hoàn hảo cả, thư thả nhẹ nhàng nếu con còn sơ suất nhé. Nếu chẳng may con làm vỡ 1 chiếc bát, hãy chuẩn bị tinh thần: Không sao, lần sau sẽ không vỡ nữa. Động viên hướng dẫn con những kỹ năng để bể bát cẩn thận hơn là được.
Kiểm tra, giám sát quá trình con làm việc; nhắc nhở nếu cần: hoạt động nào cũng cần được kiểm tra kết quả, giám sát quá trình để từ đó thấy những điểm cần nhắc nhở. Nếu bạn đang hướng dẫn con tự dọn phòng, hãy kiểm tra xem con đã dọn gọn thế nào, trong quá trình con làmcó chỗ nào chưa đúng hay không? Nếu con vừa làm vừa nhở nhơ không tập trung thì bạn có thể nhắc nhở để con biết và tập trung lại nhé.
3, Gợi ý các công việc phù hợp với độ tuổi của con
Đây là gợi ý của mình cho các con có độ tuổi từ 2 đến 12 tuổi. Cha mẹ tham khảo và cân đối, bổ sung để phù hợp với các con nhé
2-3 tuổi: Nhặt đồ chơi, sách vở sau khi chơi/học; Lau bàn học bằng khăn ẩm; Xếp quần áo đơn giản; Vo gạo; Rửa rau đơn giản
4-5 tuổi: Lau bụi đồ đạc trong phòng; Sắp xếp giày dép gọn gàng; Tưới cây; Dọn dẹp đồ chơi; Nhặt rau; Nhặt ngao đã luộc
6-7 tuổi: Trải ga giường, gấp chăn gối; Lau kính, bàn ghế; Phơi đồ; Giúp gấp đồ giặt
8-9 tuổi: Rửa rau, củ, quả; Lau sàn nhà; Giúp xếp đồ vào tủ; Chăm sóc vật nuôi
10-12 tuổi: Nấu món đơn giản; Giặt đồ; Trông em; Quét dọn nhà cửa
4, Một số sai lầm cần tránh khi hướng dẫn con làm việc nhà
Ép buộc con làm việc khi chưa xem xét sở thích và năng khiếu: mỗi bé trong từng giai đoạn phát triển sẽ có những sở thích và năng khiếu khác nhau. Lựa chọn công việc phù hợp với sở thích, năng khiếu sẽ khiến trẻ hứng thú và nhanh chóng tham gia hơn.
Giao việc quá sức hoặc quá phức tạp so với lứa tuổi: Cha mẹ lưu ý quan sát và lựa chọn việc phù hợp để không quá sức với trẻ ví dụ như trẻ nhỏ thì không nên giao những công việc yêu cầu tập trung cao, tỉ mỉ và gồm nhiều hoạt động vì dễ khiến trẻ nản trí, bỏ cuộc.
So sánh con với các anh chị em hoặc bạn bè: Đây là một việc tuyệt đối tránh nếu như không muốn con dễ hình thành sự tự ti hoặc ganh ghét anh chị, bạn bè.
Chỉ trích con quá nhiều khi con mắc lỗi: con còn nhỏ và không thể tránh khỏi mắc lỗi. Cha mẹ nên tập trung hướng dẫn con làm tốt để cải thiện thay vì chỉ trích.
Thiếu kiên nhẫn hướng dẫn và giám sát con: đây là sai lầm khá phổ biến khi cha mẹ luôn muốn con tiến bộ nhanh, tiếp thu tốt. Mỗi bé sẽ cần một khoảng thời gian khác nhau để hoàn thành tốt một nhiệm nào. Tin tưởng và kiên trì hướng dẫn con cha mẹ nhé!
Không khen ngợi, động viên con: đôi khi chúng ta có thể quên hoặc nghĩ rằng việc này đơn giản không cần phải khen. Nhưng sự thật là lời động viên chỉ vài câu ngắn nhưng là sự ghi nhận rất lớn từ cha mẹ cũng khiến các con vui và có động lực hơn hẳn.
Cho con tiền thưởng sau khi hoàn thành việc: khen thưởng con bằng vật chất cũng là một cách ghi nhận nhưng các con trong giai đoạn này còn sớm để hiểu về tiền. Nó cũng dễ hình thành tư duy đánh đổi, trả giá ở con về sau này như: bố mẹ muốn con làm việc này thì hãy trả từng này tiền thì con mới làm. Việc nhà là trách nhiệm đóng góp của chung tất cả thành viên trong gia đình chứ không phải là một công việc chỉ làm khi được trả lương.
Không nhất quán trong yêu cầu con làm việc: cùng một công việc nhưng yêu cầu lại khác nhau trong mỗi lần cũng dễ làm con cảm thấy hoang mang và lo sợ dẫn đến từ chối tham gia.
Không tạo cơ hội để con thể hiện bản thân: thể hiện bản thân là nhu cầu cơ bản của con người, nó cũng xuất hiện từ khi ta còn nhỏ. Vậy nên hãy tận dụng những cơ hội, có những lời “kích” nhẹ để con được thể hiện bản thân. Ví dụ: “Hôm nay bố không còn cơ hội dọn bát cho mẹ nữa rồi, bởi vì Bi đã tự làm được hết nhá. Bát to bát nhỏ Bi bê được hết rồi. Bố nhìn Bi dọn bát cho bố xem này!”
Lời kết
San sẻ những công việc nhà không phải chỉ là việc trao đổi giữa 2 vợ chồng, mà đó cũng là một phần quyền và trách nhiệm của các con. Chúng ta hoàn toàn có thể để con trở thành một nguồn lực bổ trợ hữu ích trên hành trình làm cha mẹ còn rất dài. Rèn luyện những kỹ năng cơ bản, xây dựng tình yêu, sự gắn kết của cả gia đình không cần phải đợi đến khi con lớn mới cần thực hiện, bạn có thể làm nó ngay từ khi con còn rất nhỏ. Mình hi vọng rằng những bí kíp mình chia sẻ hôm nay sẽ giúp bạn tự tin hơn để bắt đầu. Nếu còn những điều gì bạn muốn chia sẻ, hãy để lại bình luận phía dưới để chúng ta trao đổi thêm nhé!
Thân mến!