Bạn có đang chán ghét những lời nhận xét xung quanh?
Bản tin #2401: Một mô hình giúp bạn không còn suy nghĩ nhiều về những lời nhận xét từ bên ngoài
Trong những phiên trò chuyện cùng khách hàng là những người mẹ sau sinh đang ở nhà chăm con, mọi người đã chia sẻ với mình những lời bình phẩm, đánh giá từ gia đình và những người xung quanh mà họ đã từng nghe, như là:
“Không chịu đi kiếm việc đi mà suốt ngày ở nhà thế? Ở nhà là không có kinh tế, ăn bám chồng rồi nhà chồng họ coi thường cho đấy!”
“Nuôi con kiểu gì mà suốt ngày ốm đau. Con nhà người ta thả chơi suốt ngày có thấy ốm đau gì mấy. Đây thì càng chăm lại càng ốm”
“Con cháu nhát nhỉ? Gặp người lớn không biết chào, cứ để phải nhắc”
Là một người mẹ, chắc bạn cũng giống mình, cảm thấy vô cùng bức xúc nếu như nhận được những lời nhận xét như thế. Chị khách hàng của mình đã đặt ra câu hỏi rằng “họ biết bao nhiêu về tôi mà lại dễ dàng phán xét như thế?” Chị thường tỏ thái độ, thậm chí là cãi lại để bảo vệ quan điểm cá nhân. Chị muốn mọi người phải hiểu và quan tâm hơn đến mình chứ không phải nói ra những câu làm tổn thương như vậy.
Có những người khác thì lựa chọn hạn chế về quê, hạn chế gọi điện cho bố mẹ để tránh những cuộc nói chuyện rất nhanh trở thành cuộc tranh luận gay gắt vì bản thân muốn bùng nổ mỗi khi nghe những lời hỏi thăm. Thất vọng, tủi thân vì không ai hiểu cho mình, không ai đồng cảm và ủng hộ lựa chọn của mình, đó là những mà họ đang trải qua.
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là Tết Nguyên Đán, bạn có lo lắng rằng Tết nay mọi người sẽ nói gì về bạn hay con bạn mỗi khi bé mè nheo ăn vạ hoặc bám mẹ không rời? Trong Mom Talk “Hết bơ phờ - Tết như mơ”, mình và Cẩm Tú - người hướng dẫn kỷ luật tích cực cho cha mẹ sẽ bày cho bạn tuyệt chiêu đơn giản “chặn đứng” những nhận xét khiếm nhã chỉ sau 1 câu và nhiều bí quyết giúp mẹ “xử đẹp” cơn ăn vạ của con sau 5 phút.
Vậy đâu là nguyên nhân?
Trong cuốn 7 thói quen hiệu quả của Stephen Covey nhắc đến một mô hình, tạm dịch là “3 vòng tròn ảnh hưởng” có thể giải thích vì sao chúng ta lại dễ chán ghét hoặc có những phản ứng tiêu cực bởi những nhận xét bên ngoài như vậy.
Như bạn có thể thấy ở phía trên, những yếu tố như: chính trị, dịch bệnh, thảm họa…là vòng tròn ngoài cùng. Chúng ta quan tâm và nghe nhắc tới nhiều hằng ngày nhưng chúng ta biết rằng mình không thể tác động hay kiểm soát được nó, thế nên chúng ta sẽ thường không để ý hay lưu lại trong đầu và suy nghĩ nhiều. Dịch bệnh Covid-19 là ví dụ điển hình cho những thứ ở trong vòng tròn này.
Vòng tròn thứ 2 là những điều mà chúng ta có thể ảnh hưởng nhưng không thể trực tiếp kiểm soát. Đó chính là mối quan hệ của chúng ta với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cả con cái chúng ta nữa. Ở vòng tròn này, chúng ta không thể kiểm soát họ phải nói hay làm điều gì theo đúng ý mình, càng không thể ép họ phải thật là thấu hiểu cho chúng ta.
Bây giờ bạn cũng có thể hiểu được vì sao chúng ta lại cảm thấy khó chịu, bực bội khi nghe những nhận xét của người khác, bởi vì có thể chúng ta đang cố gắng kiểm soát hay điều khiển mọi người phải theo đúng ý của mình. Nhưng điều đó là không thể nên chúng ta luôn cảm thấy mệ mỏi, buồn bã vì đã không thể làm gì được.
Vòng tròn nhỏ nhất bên trong là vòng tròn kiểm soát. Đó là những thứ bạn hoàn toàn kiểm soát được: những điều tôi muốn nói ra, tôi thức dậy hay đi ngủ vào giờ nào, thái độ của tôi khi đối mặt với khó khăn… Giờ đây chúng ta nhận ra, những gì chúng ta có thể kiểm soát sẽ chỉ là bản thân mình mà thôi. Bạn không thể kiểm soát ai cả, kể cả là con bạn. Đó chính là sai lầm và cũng là nguồn cơn của sự kìm kẹp mà nhiều đứa trẻ ngày nay đang phải chịu khi cha mẹ chúng luôn muốn kiểm soát hoàn toàn cuộc đời của con mình, nhưng điều đó là không thể.
Và giải pháp để không còn bị những nhận xét tiêu cực ảnh hưởng đó là…
Mình nghĩ rằng, khi đã đọc tới đây, các bạn cũng đã dần hình dung được cách để không suy nghĩ quá nhiều về những lời nhận xét nữa. Đó chính là:
Tập trung kiểm soát tốt những thứ thuộc về bản thân và tạo ra ảnh hưởng tốt tới những những thứ xung quanh
Khi chúng ta biết rằng mình không thể kiểm soát được suy nghĩ và hành động của bất kỳ ai ngoài chính bản thân, chúng ta sẽ không còn kỳ vọng rằng họ phải hiểu mình, họ phải nói những thứ mình muốn nghe. Không kỳ vọng thì cũng sẽ không thất vọng. Không tập trung vào những gì mọi người nói, chỉ tập trung vào bản thân mình mà thôi.
Khi chúng ta đã tập trung vào bản thân hơn, kiên định với mục tiêu và suy nghĩ của mình, dần dần mọi người sẽ phải thay đổi suy nghĩ về bạn. Mình vẫn hay nói với khách hàng của mình rằng:
“Bạn đừng cố ép người khác không được chê cười bạn vì bạn đang ở nhà chăm con mà hãy thật sự tận hưởng việc ở nhà chăm con. Hãy hạnh phúc vì bạn có nhiều thời gian được đồng hành cùng con trong mọi cột mốc quan trọng của cuộc đời. Khi đó, sự hạnh phúc và trọn vẹn mà bạn thể hiện , người khác sẽ tự suy nghĩ khác về bạn. Còn nếu họ vẫn không thay đổi, kệ họ, vì bạn có kiểm soát được họ đâu mà phải quan tâm làm gì.”
Mình đã chia sẻ mô hình này tới nhiều khách hàng khi mọi người cảm thấy xung quanh mình không có gì vui vẻ tích cực, chỉ toàn là phán xét tiêu cực và nhận được rất nhiều những sự thay đổi mới của mọi người. Mình tin rằng, xung quanh mỗi chúng ta sẽ đều có những điểm sáng, những điều xinh đẹp và ý nghĩa, chỉ là bạn có để tâm tới nó hay không.
Để kết lại cho bản tin hôm nay, mình xin gợi ý 3 câu hỏi để bạn có thể dành thời gian chiêm nghiệm về mô hình 3 vòng tròn ảnh hưởng.
Tôi đang dành phần lớn thời gian suy nghĩ vào vòng tròn nào?
Tôi đã lãng phí bao nhiêu thời gian và năng lượng để lo lắng những điều ở vòng tròn quan tâm và vòng tròn ảnh hưởng, những thứ tôi không thể kiểm soát được?
Tôi có thể làm gì để mở rộng vòng tròn kiểm soát của bản thân và tạo ra ảnh hưởng tốt hơn tới những mối quan hệ trong vòng tròn ảnh hưởng?
Nếu bạn cần ai đó giúp bạn vượt qua những tự ti, lo lắng bởi những lời nhận xét của người khác, hoặc đơn giản là trò chuyện tâm sự những câu chuyện khi làm mẹ, hãy đăng ký lịch trò chuyện miễn phí cùng mình.
Xin cám ơn và hẹn gặp lại bạn trong bản tin tiếp theo.